Dấu ấn thế hệ
Giáo dục từ thế hệ trước ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta giáo dục con cái ở hiện tại?
Cách mà các cha mẹ đã được giáo dục có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách chúng ta nuôi dạy con cái. Trong bài viết này, chúng ta sẽ dựa trên các lý thuyết về tâm lý học phát triển để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
- Lý thuyết về gắn bó (Attachment theory):
Lý thuyết gắn bó của J. Bowlby cho rằng việc cha mẹ cho trẻ một mối quan hệ gắn bó an toàn và ổn định rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Vì nó có thể ảnh hưởng đến việc trẻ hình thành phong cách gắn bó khi trưởng thành.
Theo quan điểm của lý thuyết gắn bó, cách chúng ta giáo dục con cái thường sẽ có phần tương tự như cách chúng ta đã từng được giáo dục từ ngày xưa. Trẻ có hình thành một phong cách gắn bó lành mạnh hay không phụ thuộc rất lớn đến việc nuôi dạy của cha mẹ. Nếu cha mẹ cho trẻ một mối quan hệ gắn bó không an toàn thì khi lớn lên, khi trẻ làm cha mẹ thì trẻ sẽ giống như cha mẹ của mình, giáo dục con cái theo cách trẻ từng được dạy. Điều này ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển không chỉ của một thế hệ mà cả các thế hệ tiếp theo.
Vậy thế nào là gắn bó không an toàn. Theo lý thuyết, việc gắn bó không an toàn là khi cha mẹ không hỗ trợ nhu cầu của trẻ một cách đúng nơi đúng lúc, khi dư thừa, khi thiếu hụt, không ổn định và nhất quán. Điều này khiến cho trẻ cảm thấy không an toàn, sinh ra sự lo âu và cảm giác này kéo dài cho đến lúc trưởng thành.
Vì thế, lý thuyết này khuyến khích cha mẹ nên tạo cho con một môi trường gắn kết và yêu thương, một mối quan hệ gắn bó an toàn. Điều này tạo điều kiện tốt để trẻ phát triển lòng tự tin, khả năng gắn bó và có các mối quan hệ xã hội lành mạnh.
- Lý thuyết phát triển tâm lý xã hội của Erikson (Erikson’s psychosocial development theory):
Theo lý thuyết này, giai đoạn phát triển của trẻ được chia thành các giai đoạn khác nhau, và mỗi giai đoạn đặt ra các nhiệm vụ phát triển cần phải hoàn thành. Cha mẹ dựa trên nền tảng giáo dục trước đó nên có thể hiểu rõ những nhiệm vụ phát triển của con để cung cấp sự hỗ trợ và định hình tích cực. Điều này giúp trẻ phát triển một cách toàn diện và xây dựng được nhận thức tích cực về bản thân.
Theo lý thuyết, con người có 8 giai đoạn phát triển. Nếu con chúng ta ở độ tuổi từ 5 đến 12 tuổi, thì con đang ở giai đoạn 4 của quá trình phát triển. Nhiệm vụ phát triển ở giai đoạn này là trẻ phải hình thành nên sự tự tin vào năng lực của mình, có khả năng xử lý tốt công việc mình. Ở giai đoạn này trẻ bắt đầu đi học, sự thi đua bắt đầu hiện rõ, cha mẹ nên nhận biết rõ giai đoạn này mà kịp thời hỗ trợ con bằng cách động viên, khen ngợi khi con hoàn thành tốt công việc gì đó như là đạt điểm 10, làm tốt việc nhà, tự chuẩn bị cặp sách,…Sự hỗ trợ kịp thời này chính là nguồn động lực rất lớn để trẻ củng cố sự tự tin cũng như thoải mái phát huy năng lực của mình. Ngược lại, nếu trẻ liên tục nhận những lời phê bình, trách mắng khi trẻ lỡ làm sai thì trẻ sẽ càng ngày càng thu mình, nghi ngờ năng lực bản thân.
Và lưu ý, nếu cách giáo dục mà chúng ta thừa hưởng từ thế hệ trước không còn phù hợp với con cái chúng ta nữa, hãy mạnh dạn thay đổi để cho con sự giáo dục tốt nhất. Tránh việc chúng ta hỗ trợ con sai cách, trong khi con lại không có thứ con thật sự cần.
- Lý thuyết học tập xã hội (Social learning theory):
Theo ý thuyết học tập xã hội của A.Bandura, con người phát triển thông qua việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng và giá trị từ môi trường xã hội. Cha mẹ là những hình mẫu quan trọng cho con cái học tập theo.
Nếu cha mẹ thừa hưởng một nền giáo dục tốt, cha mẹ sẽ truyền đạt những giá trị, kiến thức và kỹ năng cho con cái một cách tích cực, vì trẻ sẽ học hỏi từ kinh nghiệm và kiến thức của cha mẹ thông qua quá trình tương tác và giao tiếp hàng ngày. Ngược lại, nếu cha mẹ có sự giáo dục không phù hợp thì sẽ trở thành hình mẫu không tốt để trẻ học tập theo.
Việc cho con sự giáo dục mà chúng ta đã được dạy từ cha mẹ chúng ta không chỉ giúp con kế thừa những tri thức, giá trị truyền thống của gia đình và còn tạo nên sự gắn kết gia đình sâu sắc. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên bỏ qua sự cần thiết của việc tiếp thu kiến thức mới và thích ứng với môi trường xã hội hiện đại. Để tối ưu hóa quá trình giáo dục, chúng ta có thể kết hợp các phương pháp giáo dục truyền thống với các phương pháp hiện đại để đảm bảo rằng con cái nhận được một nền tảng tri thức toàn diện.
Để tìm hiểu rõ hơn về các lý thuyết vừa rồi, cha mẹ có thể đón đọc ở các bài viết tiếp theo của UMCM.
Nguồn tham khảo:
Lý thuyết gắn bó là gì? Định nghĩa và các giai đoạn. (2019, October 24). Greelane.
Thông H. (2021, September 24). Học thuyết về 8 giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erikson. Capheso.
Thông H. (2021a, September 11). Thuyết học tập xã hội (Social Learning Theory). Capheso.
Để lại một bình luận