HƯỚNG DẪN TRẺ CÁCH SỬ DỤNG ĐỒ CÔNG NGHỆ HIỆU QUẢ
Với sự phát triển không ngừng của ngành công nghệ thông tin, các lĩnh vực trong cuộc sống đều được thông tin hóa trên các thiết bị thông minh. Trẻ em ngày càng tiếp cận với nhiều công nghệ hơn bao giờ hết và đòi hỏi một cách giáo dục thông minh. Trong thời đại ngày nay, hầu như các thiết bị công nghệ đã trở thành “bạn tâm giao” của mỗi đứa trẻ.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy rằng trẻ em hấp thụ bức xạ từ các thiết bị điện tử thông minh nhiều hơn người lớn là 60%, cho thấy khả năng dẫn đến ung thư là vô cùng cao. Bên cạnh đó, sử dụng thiết bị công nghệ sai cách sẽ dẫn đến nhiều bất lợi về sức khỏe và tinh thần đối với trẻ như là: gây nên các bệnh ở mắt, nguy cơ vẹo cột sống. Các bức xạ từ thiết bị công nghệ còn gây nên căng thẳng thần kinh dẫn đến nguy cơ các bệnh về lo âu và trầm cảm. Thêm vào đó, do sử dụng thiết công nghệ lâu ngày và chiếm phần lớn thời gian của trẻ làm cho các em hạn chế giao tiếp, ít tương tác với mọi người xung quanh dẫn đến tình trạng thiếu hụt các kĩ năng mềm cần thiết. Từ đó mà trẻ dần dần bị cô lập với thế giới và chỉ kết nối với chiếc điện thoại quen thuộc nếu như không có các biện pháp can thiệp tình trạng này ngay từ sớm.
Nhận thấy những tác hại nguy hiểm đối với trẻ khi sử dụng đồ công nghệ sai cách, các chuyên gia cũng như các nhà khoa học đã hợp tác đưa ra những biện pháp cũng như kế hoạch hỗ trợ các bậc cha mẹ xây dựng chiến lược giáo dục con bằng thiết bị công nghệ một cách hiệu quả. Hãy cùng điểm qua một vài cách mà cha mẹ có thể áp dụng cho trẻ trong việc sử dụng thiết bị công nghệ một cách thông minh:
- Sử dụng thiết bị công nghệ cùng con. Về cơ bản, nhu cầu thiết yếu của mỗi đứa trẻ là được kết nối nhận sự thấu hiểu từ cha mẹ. Khi cha mẹ cùng con sử dụng, một mặt cha mẹ có thể quản lý được các kênh thông tin mà con có thể tiếp cận một cách lành mạnh, mặt khác đây là cách mà cha mẹ kết nối với con thông qua phương tiện công nghệ.
- Giải thích con hiểu về các thiết bị công nghệ. Hơn ai hết, đứa trẻ cần biết được mọi thứ xung nó có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt là đối tượng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn như thiết bị công nghệ. Cha mẹ nên cho con biết con sử dụng thiết bị công nghệ nhằm mục đích gì (ví dụ như: sử dụng để học, để giải trí,) và khi nào cần sử dụng nó (ví dụ: khi cần tra cứu thông tin, khi đã hoàn thành bài tập, khi được cho phép,..). Song song đó, cha mẹ cũng nên đề cập cho con biết những tác hại mà thiết bị công nghệ mang lại khi con sử dụng sai cách.
- Đặt ra giới hạn thời gian và quyền kiểm soát của cha mẹ. Để đảm bảo hiệu quả tối ưu khi con sử dụng thiết bị công nghệ, cha mẹ nên đặt ra cho con một giới hạn về thời gian khi con sử dụng. Ví dụ như con được phép sử dụng thiết bị công nghệ vào thời gian nào trong ngày và sử dụng trong bao lâu. Sau đó, con cần trả lại thiết bị cho cha mẹ và chỉ nhận lại khi đến giờ con được phép sử dụng ở lần sau. Ở phương pháp này, cha mẹ cũng nên là một tấm gương cho con khi tự có cho mình một kế hoạch sử dụng thiết bị công nghệ hiệu quả để con học tập theo.
- Cha mẹ cần có một kế hoạch học tập lành mạnh cho con. Tổ chức Y tế thế giới nhận định rằng trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với thiết bị công nghệ và trẻ chỉ được sử dụng tối đa 1 tiếng 1 ngày khi đủ 5 tuổi trở lên. Từ đó cho thấy, cha mẹ nên có các phương pháp khoa học lành mạnh khác trong việc hỗ trợ học tập hơn là sử dụng thiết bị công nghệ như là: các khóa học nghệ thuật, các buổi học với thiên nhiên, khám phá văn hóa – lịch sử.
Về bản chất, các thiết bị công nghệ thông minh chỉ là một công cụ không phải là một phương pháp trong giáo dục con cái. Các bậc cha mẹ cần có một cái nhìn khách quan trong việc học tập của con, dành thời gian để kết nối và thấu hiểu con, cho con một nền tảng giáo dục lành mạnh thông qua việc sử dụng thiết bị công nghệ một cách thông minh để con tiếp cận với các nguồn thông tin giáo dục lành mạnh và hiệu quả.
*Nguồn: Bakken. In Smart Education and e-Learning
Bakken, J. P., Uskov, V. L., Penumatsa, A., & Doddapaneni, A. (2016). Smart universities, smart classrooms and students with disabilities. In Smart Education and e-Learning 2016 (pp. 15-27). Springer International Publishing.
Để lại một bình luận