Nhà sáng lập – Viện trưởng Thùy Dung với bước ngoặt lớn đồng hành cùng trẻ em ‘Rối loạn phổ tự kỷ’ (ASD) và dự án ‘Ước mơ của Mẹ’
“Rối loạn phổ tự kỷ” (ASD) ở trẻ đang trở thành vấn đề nhức nhối của gia đình và xã hội, là nỗi đau của mẹ, của cha, là sự lo lắng về tương lai của một thế hệ. Trong nhiều năm làm giáo dục mầm non, cùng nhiều năm kinh nghiệm phát hiện, hỗ trợ và giáo dục trẻ gặp nhiều rối loạn phát triển, trong đó có trẻ “Rối loạn phổ tự kỷ”, Viện trưởng Thùy Dung đã thành lập Viện nghiên cứu, Đào tạo và Ứng dụng Tâm lý nhằm đồng hành cùng các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, và đặc biệt là ba mẹ có con là trẻ “Rối loạn phổ tự kỷ” nhằm sớm phát hiện, chấp nhận để giúp con hòa nhập cuộc sống và có thể sống tự lập được.
Vừa qua, Tạp chí Tiếp thị & Gia đình đã có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của nhà sáng lập Thùy Dung về dự án ý nghĩa này.
Phóng viên: Lý do vì sao Thùy Dung quyết định mở Viện nghiên cứu, Đào tạo và Ứng dụng Tâm lý?
Nhà sáng lập – Viện trưởng Thùy Dung: Trước khi đến với quyết định thành lập Viện nghiên cứu, tôi đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục mầm non, học tập và nghiên cứu chuyên sâu tâm lý cho trẻ em, trong đó có trẻ “Rối loạn phổ tự kỷ” (ASD). Tôi nhận thấy ở trẻ “Rối loạn phổ tự kỷ” gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp xã hội, các rối loạn về hành vi, ngôn ngữ, cảm xúc, ngoài ra trẻ còn kèm theo nhiều rối loạn khác gây ra những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày làm cho trẻ khó hòa nhập cùng các bạn cùng trang lứa ở lớp học. Với mong muốn hỗ trợ trẻ trong giai đoạn phòng ngừa các rối loạn phát triển, trẻ “Rối loạn phổ tự kỷ” (ASD). Tôi thành lập Hệ thống Trung tâm giáo dục và Tham vấn Trị liệu tâm lý “Ước Mơ Của Mẹ”.
Tại Trung tâm Tham vấn Trị liệu tâm lý “Ước Mơ Của Mẹ”, chúng tôi đặt cảm xúc, niềm vui của các con làm ưu tiên hàng đầu, vì vậy Trung tâm đã xây dựng được niềm tin và vị thế đối với phụ huynh và các trường mầm non lân cận tại thành phố Thủ Đức – TP HCM. Tuy nhiên, việc hạn chế về quy mô trong phạm vi của một Trung tâm, tôi khó dung hòa giữa việc điều trị và giáo dục tâm lý cho các con, chung tay hỗ trợ giáo viên các trường trong việc nâng cao nhận thức và phương thức giáo dục cho những em bé có nhu cầu đặc biệt, đồng thời lại vừa làm việc với các bậc phụ huynh. Nhận được lời khuyên từ các bậc chuyên gia trong ngành, tôi đã đi đến quyết định thành lập Viện nghiên cứu, Đào tạo và Ứng dụng Tâm lý.
Khi quyết định thành lập Viện nghiên cứu, Đào tạo và Ứng dụng Tâm lý chị đã định hướng phát triển như thế nào? Đó là một tổ chức xã hội hay hướng đến mô hình hoạt động kinh doanh?
Tôi đã có nhiều năm làm giáo dục mầm non, học tập và nghiên cứu chuyên sâu cũng như đồng hành với các bé “Rối loạn phổ tự kỷ”. Ở đó, tôi thấu hiểu, đồng cảm và yêu thương các con như chính con của mình. Đó là nguồn động lực để tôi đi đến ngày hôm nay. Với tôi, thành lập Viện nghiên cứu không hướng đến mục đích chính là kinh doanh, tôi coi đó là một sứ mệnh. Mọi thứ đến như một hành trình đã sắp đặt sẵn và tôi đón nhận điều đó.
Với việc thành lập Viện nghiên cứu, tôi mong muốn sẽ quy tụ được những đồng nghiệp làm trong ngành Tâm lý học, là cầu nối kết nối được với các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân Việt Nam, vì một thế hệ trẻ em Việt Nam khỏe mạnh nên tôi mong muốn xây dựng được mạng lưới hỗ trợ tốt nhất cho trẻ “Rối loạn phổ tự kỷ” và các rối loạn phát triển có cơ hội được hòa nhập cuộc sống.
Bên cạnh việc nghiên cứu tâm lý trẻ tự kỷ, Thùy Dung có thể chia sẻ về các mảng hoạt động khác của Viện nghiên cứu, Đào tạo và Ứng dụng Tâm lý?
Viện sẽ hoạt động trên các mảng chính. Một là nghiên cứu về những vấn đề tâm lý của con người Việt Nam trong phạm vi tổ chức, nhà trường và cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền Tâm lý học Việt Nam. Thứ hai là đào tạo, bồi dưỡng về Tâm lý học và nguồn nhân lực. Thứ ba là ứng dụng những thành tựu về tâm lý vào thực tiễn giáo dục tâm lý cho trẻ em, đời sống tinh thần con người, các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Trong đó, trẻ em là đối tượng chính Viện sẽ hướng tới, Dự án nhân ái “Ước Mơ Của Mẹ” với mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp, với đội ngũ nhân lực hiện có để xây dựng hệ thống Trung tâm Tham vấn Trị liệu tâm lý toàn quốc hỗ trợ các trẻ em nhiều tỉnh thành khó khăn khi tiếp cận hỗ trợ trị liệu tâm lý.
Với định hướng vai trò là nhà quản trị chuyên môn, chị có thể chia sẻ dự định sắp tới trong việc giáo dục – đào tạo cho trẻ?
Trên cương vị nhà quản trị, tôi sẽ liên kết, kết nối với các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, các doanh nghiệp muốn đầu tư và phát triển giáo dục cùng tham gia nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng thành tựu khoa học vào đời sống, nhất là những nghiên cứu của sự phát triển cho trẻ em, thanh thiếu niên, định hướng nghề nghiệp và khởi nghiệp ở thế hệ trẻ. Hiện tại, ở Việt Nam có rất nhiều chuyên gia Tâm lý học giỏi, nhiều chuyên gia rất tâm huyết với nghề tôi mong muốn được kết nối và chung tay với các Thầy cô cùng xây dựng và phát triển nền Tâm lý học Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi sẽ tập trung vào nghiên cứu để tìm ra các giải pháp mới nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác đào tạo.
Trong quá trình vận hành trung tâm hay sắp tới là Viện nghiên cứu, Thùy Dung có thể chia sẻ sự khác biệt trong vận hành?
Khác với hệ thống Trung tâm Tham vấn Trị liệu tâm lý “Ước Mơ Của Mẹ”, Viện là nơi nghiên cứu, đào tạo đội ngũ, đào tạo kiến thức cho cha mẹ nuôi dạy các con, chăm sóc và phát hiện sớm các trường hợp trẻ gặp khó khăn ngôn ngữ, rối loạn phát triển trí tuệ để kịp thời hỗ trợ các con, đào tạo nhận thức cho giáo viên mầm non về trẻ “Rối loạn phổ tự kỷ”, hướng dẫn cách giáo dục trẻ, hiểu và giảm áp lực bản thân khi tiếp nhận trẻ “Rối loạn phổ tự kỷ”. Bên cạnh đó, Viện kết nối đào tạo chương trình kỹ năng cho học sinh từ mầm non đến THPT các trường, định hướng nghề nghiệp .v.v…
Sự khác biệt về đối tượng tiếp cận sẽ tạo ra sự khác biệt về quá trình vận hành. Với Viện nghiên cứu, Đào tạo và Ứng dụng Tâm lý có đội ngũ nhân lực là các Nhà tâm lý, bác sỹ tâm thần, giáo dục học và các chuyên gia Tâm lý học có nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước tham gia hội đồng sáng lập và Ban cố vấn chuyên môn, đây là một thuận lợi cho Viện trong quá trình vận hành.
Chị có những mong muốn gì gửi đến các bậc phụ huynh khi thành lập Viện nghiên cứu?
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện nay ở nước ta số lượng trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ đang tăng mạnh. Trung bình hàng năm, cứ 100 trẻ em thì phát hiện ra 1 trẻ có dấu hiệu “Rối loạn phổ tự kỷ”, con số này chắc chắn sẽ còn gia tăng hơn nữa do nhiều nguyên nhân khác nhau (yếu tố môi trường và di truyền). Qua đây, Thùy Dung cũng mong muốn các bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian tương tác cùng con, hạn chế các thiết bị điện tử, cho con đến môi trường mầm non để hòa nhập sớm để tương tác cùng các bạn, sớm phát hiện và chấp nhận để hỗ trợ điều trị con kịp thời trong giai đoạn vàng phát triển ngôn ngữ (0-6 tuổi) để con phát triển đúng tuổi của con.
Với sự ra đời của Viện nghiên cứu, Đào tạo và Ứng dụng Tâm lý cùng các chuyên gia tâm lý, các Doanh nghiệp, các tổ chức xã hội sẽ trở thành cánh tay nối dài trong hành trình tìm giải pháp hỗ trợ trẻ “Rối loạn phổ tự kỷ” hòa nhập với cộng đồng, cùng chung tay vì thế hệ trẻ em Việt Nam khỏe mạnh giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn!
Để lại một bình luận